Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành Công Thương đã có nhiều đóng góp tạo nên sự chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế nông thôn gắn theo hướng hiện đại hóa với hình thức tổ chức sản xuất phù hợp.

 Đóng gói hàng nông sản tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.
Nhiều kết quả tích cực
Theo Bộ Công Thương, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 26 đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt trong 10 năm qua, ngành sản xuất phân bón đã có những bước phát triển đáng kể, đáp ứng gần 80% nhu cầu trong nước. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản đã tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, một số sản phẩm từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu.
Trong thời gian qua, các ngành chưa làm tốt công tác quản lý thương mại, vẫn còn quá dễ dãi với thị trường trong nước khi hàng nông sản thực phẩm làm ra chất lượng thế nào cũng tiêu thụ được. Thời gian tới, ngành Công Thương phải chuẩn hóa, tổ chức lại thị trường theo hướng chỉ lưu thông, phân phối, kinh doanh những sản phẩm đạt chuẩn.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Cường Lâm cho biết, nhằm đáp ứng điện cho khu vực nông thôn, trong 10 năm qua EVN đã đầu tư 5.500 tỷ đồng thực hiện các dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang; Cấp điện lưới quốc gia cho hơn 400 xã và gần 400.000 hộ dân nông thôn chưa có điện. Tính đến hết năm 2017, trên toàn quốc có 99,98% số xã, phường và 98,83% số hộ dân nông thôn có điện.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát đánh giá: Nhờ nỗ lực của ngành Công Thương, hệ thống thương mại nông sản, vật tư nông nghiệp đã được thiết lập ngày càng hiệu quả. Đặc biệt mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đã đảm bảo ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế. Điều này góp phần khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, tạo sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, giải quyết hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.
Khắc phục những bất cập
Mặc dù cơ cấu kinh tế nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hiện đại nhưng việc phát triển công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp còn chưa đồng đều giữa các vùng. Thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị mới chỉ ở diện hẹp trên một số sản phẩm, chưa có nhiều sản phẩm chế biến gắn với thị trường tiêu thụ. Kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại còn yếu, chưa đáp ứng được sản xuất theo công nghệ cao. 
Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm trong chuỗi hệ thống phân phối còn nhiều bất cập, hệ thống kho bảo quản nông sản chưa đáp ứng yêu cầu... Theo Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Ngô Quang Trung, nguyên nhân của những bất cập này là bởi địa bàn nông thôn, nhất là vùng có điều kiện khó khăn chưa hấp dẫn với các DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại và dịch vụ. Trong khi đó, việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, miền núi còn thấp, hoạt động xã hội hóa nguồn vốn phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục những bất cập, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ khuyến khích sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh phối hợp với Bộ NN&PTNT trong việc định hướng sản xuất các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, triển khai các thỏa thuận hợp tác thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản với các nước qua đó hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển bền vững và ổn định trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

SAKUKO HD VIỆT NAM TỔNG HỢP THEO NGUỒN KINH TẾ ĐÔ THỊ

Đăng nhận xét