NÔNG DÂN MIỀN TÂY CHẾ BIẾN TRÀ TỪ QUẢ MÃNG CẦU

Để bảo quản trái mãng cầu xiêm được lâu, ông Triệu ở Sóc Trăng nghĩ ra cách chế biến thành trà, bán hơn 500.000 đồng mỗi kg...
Ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) ông Dương Minh Triệu được biết đến như là một nhà "sáng chế", bởi nông dân này đã mày mò, sáng chế ra trà mãng cầu xiêm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Quả mãng cầu được chọn kỹ lưỡng để làm trà
Ông Triệu cho biết gia đình ông bắt đầu trồng mãng cầu hơn 4 năm trước. Ban đầu trồng với số lượng chỉ vài chục gốc, về sau thấy giống cây này phát triển tốt, trái thơm ngon nên ông mạnh dạn đầu tư trồng trên diện tích hơn một hecta, với vài trăm gốc.
"Năm 2015, một khách hàng ở TP HCM muốn đặt mối mua lâu dài, nhưng với trái tươi thì rất khó để bảo quản được lâu", ông Triệu nói và cho biết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vợ chồng ông nghĩ ra cách chế biến trái mãng cầu tươi thành trà cách đây hai năm.
Để mở rộng quy mô sản xuất, ông Triệu đã đăng ký logo, rồi dần hoàn thành các thủ tục đăng ký sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông, để chế biến trà thì khâu lựa chọn trái mãng cầu tươi là khắt khe nhất. Mãng cầu được chọn phải đạt khoảng 5 độ chín (khoảng 3 tháng tuổi từ khi đậu trái). "Trái phải già nhưng chưa chín, khi búng tay vào thì nghe tiếng giòn mới được", ông Triệu chia sẻ.
Khi chọn được trái đạt tiêu chuẩn, người sản xuất sẽ gọt bỏ lớp vỏ xấu rồi xắt thành lát mỏng, và sau đó xắt lại sợi dọc theo múi mãng cầu. Sau khi hoàn thành các công đoạn này, mãng cầu nguyên liệu sẽ được phơi khoảng 2 ngày nắng và đưa vào chảo rang đều. Khi rang, phải để lửa nhỏ, rang từ từ, xới đều cho mãng cầu khô hẳn, cho đến khi có màu vàng, dậy mùi thơm thì dừng lại. Khâu cuối cùng của quá trình chế biến là loại bỏ những cọng trà bị vỡ hoặc xấu, chỉ lấy những cọng trà có màu vàng đạt chuẩn, có mùi thơm, giòn.
Sợi trà mãng cầu
Tất cả công đoạn này đều được làm bằng thủ công và không sử dụng các phẩm màu hay chất bảo quản. Hiện tại trà mãng cầu của gia đình ông Triệu rất được ưa chuộng vì nhiều người cho rằng chúng có công dụng hỗ trợ điều trị ung thư và nhiều bệnh khác, lại có lợi cho sức khỏe.
Với hương vị trà dịu, ngọt, có một chút "nhẫn" và đặc biệt là mùi hương đặc trưng, ông Triệu bán ra thị trường với giá trên 500.000 đồng mỗi kg, đem về nguồn thu nhập lớn cho gia đình hàng năm.

Đăng nhận xét