RUỒI ĐỤC QUẢ PHƯƠNG ĐÔNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Loài ruồi đục quả phương Đông gây ra nhiều thiệt hại trong canh tác cây ăn quả, nếu không có cách phòng ngừa phù hợp sẽ dẫn đến mất mùa. Sau đây là một số hiểu biết về loài ruồi này và cách để hạn chế thiệt hại do chúng gây ra.


a/ Triệu chứng
Trên những quả cam quýt sắp chín có vết chích nhỏ do con cái đẻ dùng ống đẻ trứng chích vào lớp dưới vỏ trái. Ban đầu vết chích rất nhỏ, khó phát hiện nơi đẻ trứng. Nhưng khi trứng nở và bắt đầu xâm nhập thì mặt vỏ có vết thâm tròn rất dễ nhìn thấy. Sâu non nở ra phá hoại phần thịt trái, làm quả bị thối, ủng và rụng.
b/ Nguyên nhân gây bệnh
Do loài ruồi Bactrocera dorsalis gây ra. Nó có khứu giác rất phát triển nên khi trái sắp chín chúng ngửi thấy mùi thơm từ xa bay đến. Con cái có chất dẫn dụ giới tính khá mạnh nên có khả năng thu hút con đực từ khá xa. Con đực có khứu giác rất tốt có thể tìm được con cái cách xa hàng trăm mét do ngửi được chất dẫn dụ giới tính của con cái tiết ra.
Do thói quen để trái quanh năm, không thu hoạch dứt điểm, phơi vườn nên tạo nguồn thức ăn để ruồi đục sinh trưởng và phát triển.
Trong lúc phun xịt thuốc trừ bệnh, kháng nấm đã vô tình diệt đi những loài thiên địch có lợi cho cây cam quýt, làm cho sâu bệnh không còn đối tượng tiêu diệt chúng. Chúng có thể phát triển mạnh và lây lan với tốc độ nhanh.
c/ Sự lan truyền bệnh
Ruồi dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả, đẻ trứng thành từng ổ ở những quả chín và bắt đầu chín. Trứng ruồi rất nhỏ, dài khoảng 1mm, hơi cong, màu trắng ngà sau vài ngày trứng nở ra ấu trùng (dòi) hình ống dài, phần cuối thân phình to, có nhiều đốt, mới nở dòi có màu trắng trong. Sau khi nở, dòi đục ăn sâu dần vào múi trái, sinh sống bằng dịch của trái, càng lớn dòi càng đục sâu vào bên trong làm phần này bị thối và loang dần ra xung quanh. Trái bị hại nhanh chóng bị thối do vi sinh vật xâm nhiễm sau đó trái bị rụng. Sau vài lần lột xác, dòi lớn đẫy sức (dài 9-11mm). Khi đẫy sức dòi chịu ra ngoài rồi cong mình bật văng xa rơi xuống đất để hóa nhộng trong đất (ở độ sâu 2-4 cm). Nhộng dài 2-3 mm, ban đầu màu da cam, sau màu nâu sữa. Sau khi vũ hóa, con trưởng thành (ruồi) chui lên khỏi mặt đất, bay đi tìm thức ăn và bắt cặp tạo thế hệ mới.
d/ Điều kiện để phát sinh, gây hại
Ruồi đục phát triển hầu như quanh năm. Thời tiết khô, nóng là điều kiện tốt để ruồi đục sinh sôi và phát triển.
e/ Biện pháp phòng tránh
Thu gọn hết quả rụng trong vườn, chôn sâu xuống dưới đất.
Thu hoạch quả sớm hơn bình thường, đừng để trái chín quá lâu trên cây.
Nếu trái bị hại nhiều có thể xới xáo đất xung quanh gốc, dưới tán rồi rải một trong những loại thuốc như: Basudin 10H, Vibasu 5H/10H, Padan 4G/10G, Regent 0,2G/0,3G... xới đất trộn thuốc vào đất để diệt nhộng.
Có thể dùng bao giấy chuyên dùng để bao trái khi trái già chưa chín. Cách này không những bảo vệ trái cam quýt không bị ruồi gây hại mà còn ngăn ngừa được một số sâu bệnh khác thường gây hại cho trái, giữ màu sắc của trái đẹp và hấp dẫn hơn.
Thường xuyên tỉa bỏ cành già, cành tăm, cành bị sâu bệnh… để vườn luôn sạch sẽ và thông thoáng, hạn chế nơi trú ẩn của ruồi.
Có thể phun bả Protein thủy phân để diệt ruồi cái bằng cách pha 50ml bả protein thủy phân + 10ml Pyrinex20EC hoặc 3ml Regent 5 SC vào 1 lít nước rồi phun lên một số điểm dưới tán cây cam quýt; mỗi cây phun một điểm, mỗi điểm phun 20-50ml hỗn hợp; phun định kỳ khoảng 1 tuần 1 lần.
Dùng “thuốc nhử ruồi” VIZUBON-D để dẫn dụ và diệt ruồi đực. Điều này cũng giúp hạn chế tác hại của ruồi rất lớn. Biện pháp này nếu vận động được nhiều chủ vườn trên một vùng rộng lớn cùng làm thì mới có kết quả cao.
Không nên dùng thuốc hóa học phun trực tiếp lên trái cam quýt khi sắp chín vì dòi nằm bên trong khó chết và lúc này trái sắp được thu hoạch rất dễ gây ngộ độc cho người ăn. Đem thiêu hủy những trái bị dòi gây hại để diệt dòi bên trong trái. Khi ruồi trưởng thành dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugenol để dẫn dụ và diệt ruồi đực hoặc phun bả protein, chỉ phun thành đốm nhỏ trên tán cây. Nên phun vào khoảng 8-10h sáng.

Đăng nhận xét