Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế, cũng như tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và hiện đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Ngày 27/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Họp báo Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”.

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, nông nghiệp là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Hàng nông sản của Việt Nam gồm các mặt hàng truyền thống như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả và các mặt hàng thủy sản như cá tra, cá ba sa, cá ngừ, tôm, mực... là những mặt hàng có lợi thế,nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore, Tiểu các vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), thị trường châu Âu và châu Mỹ...

Dẫn chứng về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2017, thủy sản là ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 8,3 tỷ USD, tiếp đến là hạt điều với 3,516 tỷ USD, rau quả đạt 3,502 tỷ USD, cà phê với 3,24 tỷ USD, gạo đạt 2,6 tỷ USD, hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,03 tỷ USD…

Để đạt được những thành tựu đó, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tính hết quý II/2018, ước tính cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.


 
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại buổi Họp báo

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%, tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn với 5,59% và doanh nghiệp có quy mô vừa với 2,06%. Đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có đặc thù là phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên như thiên tai, rủi ro dịch bệnh dẫn đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro so với các ngành kinh tế khác.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phản ánh gặp khó khăn ở một số vấn đề chính như: quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp; ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. Nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý. Hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung chưa cao. Ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp còn rất hạn chế, mới chỉ ở bước đầu phát triển…

"Với mục tiêu tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mở đường cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực trọng yếu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho hay.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Theo đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa qua Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, nổi bật có ba Nghị định gồm: Nghị định 61/2010/NĐ-CP chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cũng theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành rà soát, cắt giảm hơn 50% điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng giúp thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội nghị Toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề cùng nhìn lại, đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về các kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả hơn trong thời đại mới.

Hội nghị nhằm hướng tới các mục tiêu: Thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc đối với lĩnh việc nông nghiệp Việt Nam, lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển; Truyền tải những điểm mới của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tới cộng đồng doanh nghiệp; Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội về những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị đối với Chính phủ; Trả lời, đối thoại giữa các Bộ trưởng/Thành viên Chính phủ với các doanh nghiệp, Hiệp hội và Chuyên gia; Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề ra hành động của Chính phủ thông qua Nghị quyết của Chính phủ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Hội nghị toàn quốc "Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp" dự kiến sẽ tổ chức ngày 30/7/2018, với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, lãnh đạo các địa phương, đại diện các tổ chức, hiệp hội…

SAKUKO HD VIỆT NAM TỔNG HỢP THEO NGUỒN VN MEDIA

Đăng nhận xét