Sakuko HD Việt Nam - Ứng dụng công nghệ trong sản xuất- Chìa khóa phát triển nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất được xem là giải pháp giúp nông sản Việt Nam “định vị” được trên thương trường quốc tế.Xuất khẩu (XK) nông sản đem về hàng chục tỷ USD mỗi năm, song sản phẩm vẫn chủ yếu xuất thô, chất lượng chưa cao...

Tiềm năng lớn

Những năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những quốc gia xuất siêu về nông nghiệp. Nông sản Việt hiện đã XK đến 180 nước trên thế giới. Riêng về rau quả, năm 2003, kim ngạch XK mới đạt 105 triệu USD thì đến năm 2016 đã đạt con số 1,5 tỷ USD và năm 2017 là 3,5 tỷ USD. Theo Phó Chủ tịch điều hành cấp cao của Central Group (Thái Lan) Trần Thanh Hải, nông nghiệp được coi là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế. Với quyết tâm đổi mới, bên cạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam còn XK lượng lớn nông sản, hiện vươn lên thành 1 trong 5 quốc gia XK hàng đầu trên thế giới. Một số mặt hàng điển hình như gạo, cà phê, tiêu đen, hạt điều... được ưa chuộng tại nhiều quốc gia.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu không tạo sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế XK nông sản. Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, nhiều DN Việt chưa hiểu thấu đáo đối tác, thị trường dẫn tới trường hợp hàng XK vi phạm một số quy định tại thị trường quốc tế, khó thông quan. Việc kết nối thị trường tiêu thụ, giải quyết khâu logistics cũng là một bài toán. Do đó, các DN nên tập trung tìm hiểu thị trường, đẩy mạnh đầu tư khâu chế biến, đóng gói… để tăng lợi nhuận khi XK, đồng thời có cơ hội đầu tư bền vững.



Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, song còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Thêm vào đó, vấn đề đảm bảo ATVSTP của các DN Việt còn yếu, hàm lượng khoa học công nghệ rất ít, năng suất lao động thấp… Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức về thể chế khi có quá nhiều cơ quan quản lý chung, nhiều quy chuẩn dẫn tới việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn.

Đột phá từ công nghệ

Chìa khóa tăng sức cạnh tranh cho nông sản XK là phải đẩy mạnh, tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trưởng nhóm liên kết DN XK củ quả Ưng Thế Lãm chia sẻ, khi ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, mọi thứ đều có tiêu chuẩn rõ ràng. “Những thay đổi khi áp dụng công nghệ giúp người dân hiểu nếu làm đúng tiêu chuẩn sẽ nhận được thu nhập tương ứng, mọi thứ đều được minh bạch hoá” - ông Lãm chỉ ra.

Chủ tịch Hiệp hội Chuỗi cung ứng thương mại điện tử Hongkong Terry Chan cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang thâm nhập vào các thị trường trên thế giới, song vẫn còn gặp một số khó khăn về chất lượng sản phẩm, chuỗi cung ứng cũng như tính minh bạch. Để giải quyết các vấn đề này, cần đẩy mạnh và phát triển ứng dụng công nghệ blockchain vào nông nghiệp, từ đó kết nối với các thị trường lớn trên thế giới như cách mà Alibaba đã làm...


Theo nhiều chuyên gia, blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Nếu ứng dụng được công nghệ sẽ giải quyết được bài toán minh bạch. Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) Đào Ngọc Chiến nêu quan điểm, ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm là cần thiết. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ cũng cần phải kết hợp nhiều yếu tố khác. Bộ sẽ sớm triển khai kế hoạch liên quan và đồng hành cùng DN. “Bộ KH&CN được giao làm đầu mỗi thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện, Bộ đang xây dựng dự thảo và sẽ trình trong tháng này với 4 nội dung: Đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0 trong một số lĩnh vực chủ chốt; chuyển đổi số; phát triển các ứng dụng cốt lõi trong công nghệ và hỗ trợ tín dụng cho các DN” – vị này cho biết thêm.

SAKUKO HD VIỆT NAM

Đăng nhận xét