Sakuko HD Việt Nam - Chợ phiên nông sản an toàn cần được nhân rộng

Theo ông Bùi Văn My - giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN&PTNT TP.HCM), Chợ phiên nông sản an toàn TP.HCM do Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức ra đời vào năm 2016, đến nay đã trở thành một kênh mua sắm quen thuộc của người dân thành phố. Không chỉ tại nơi tổ chức phiên chợ, mà còn lan rộng ra các khu vực xung quanh.

Bên cạnh việc bán lẻ sản phẩm cho khách hàng, các đơn vị đã quảng bá được thương hiệu và dần có những thỏa thuận, ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm lâu dài, giá trị cao.

Các mặt hàng nông sản vào chợ phải có giấy xác nhận VietGAP, GlobalGAP và tham gia chuỗi thực phẩm an toàn TP.HCM; các sản phẩm tại chợ đều được Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra thường xuyên.



Việc phải kiểm tra tại nguồn và lấy mẫu kiểm soát tại chợ là nhằm đảm bảo tính an toàn và sự minh bạch.

Ngay từ đầu, ban tổ chức đã xác định, các đơn vị tham gia không phải nhằm kiếm lời trước mắt, mà để thông qua chợ phiên khẳng định với người tiêu dùng là sản phẩm sản xuất an toàn, để dần dần sản phẩm đó được lan truyền.

Thống kê của Sở NN&PTNT TP.HCM cho thấy, ở 3 phiên chợ đã hoạt động ổn định trước đó gồm: chợ phiên Đông Hồ, chợ phiên công viên Lê Thị Riêng (quận 10) và chợ phiên công viên Lê Văn Tám (quận 1) ngoài doanh thu bán lẻ trực tiếp, các đơn vị bán hàng đã ký được những hợp đồng bán sỉ với tổng giá trị 15,6 tỷ đồng/tháng.

Chợ phiên là nơi bán các loại nông sản phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của người dân như: gạo, rau củ, trái cây, thịt heo, gà, tôm, cá... có giá trị thấp nên để đạt được doanh số trên, các đơn vị đã bán được lượng hàng rất lớn.

Sáng kiến mở Chợ phiên nông sản an toàn trong bối cảnh vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề bức xúc đã đáp ứng đúng nhu cầu và được người dân ủng hộ đông đảo.

Nhiều quận - huyện đã chuyển nguyện vọng của người dân đến Sở NN&PTNT, đề nghị tổ chức thêm chợ phiên ở các địa phương còn lại.

Ban tổ chức đã tìm kiếm địa điểm và chuẩn bị cho ra đời những chợ phiên mới.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tư vấn nông dân chuyển đổi nuôi trồng sang quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

Tại TP.HCM, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp còn cấp chứng nhận VietGAP miễn phí cho nông dân.

Tuy nhiên, vấn đề đầu ra luôn là nút thắt khiến nhiều trường hợp nông dân không mặn mà duy trì sản xuất VietGAP do giá bán không cách biệt so với sản xuất thường hoặc thương lái trộn lẫn hàng sau khi thu mua.

Do đó, mô hình chợ phiên giúp phát triển thương hiệu nông sản sạch, cải thiện niềm tin người tiêu dùng vào nông sản Việt.

Để chợ phiên có thể hoạt động lâu dài ổn định, Sở NN&PTNT TP.HCM đang hướng đến phương thức xã hội hóa, qua việc bàn giao cho doanh nghiệp điều hành, để mở rộng ra nhiều nơi trên địa bàn.
Cụ thể, trong tháng 6/2018, Sở NN&PTNT sẽ giao chợ phiên tại Nhà hàng Đông Hồ cho Công ty cổ phần chuỗi nông sản Sài Gòn (SG S.A.P) quản lý. Nếu như SG S.A.P làm tốt, thì sẽ tiếp tục bàn giao tất cả chợ phiên còn lại.
SAKUKO HD VIỆT NAM

Đăng nhận xét