Tạo chuyển biến trong sản xuất Nông nghiệp và kinh tế nông thôn

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đạt được thành tựu khá toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới như: cà-phê, gạo, cao-su, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ… Khoa học, công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp bước đầu được áp dụng rộng rãi. Nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp đã và đang được coi trọng thực hiện. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện vẫn còn nhiều hộ nông dân nghèo. Việc giải quyết giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn nhiều. Nông dân vẫn là bộ phận yếu thế, chưa có thực quyền trên thương trường, ít được bảo đảm quyền về sở hữu tài sản và sử dụng tư liệu sản xuất, nhất là đất đai. Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được phát huy tương xứng. Một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn còn hạn chế cố hữu, đó là tính thụ động, trông chờ sự hỗ trợ. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới còn chậm. Chất lượng nông sản, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, giá thành sản phẩm nông sản còn cao, sức cạnh tranh yếu. Khoa học phục vụ nông nghiệp ở nước ta chưa được phát triển và ứng dụng một cách tương xứng,…
Nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bất cập so với thực tiễn; chưa hình thành một cách có hệ thống các quan điểm lý luận về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cơ chế, chính sách phát triển còn thiếu đồng bộ, thiếu tính đột phá; một số chủ trương, chính sách chưa hợp lý, thiếu tính khả thi nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn… Hội Nông dân các cấp cần tổng kết và tiếp tục đổi mới, bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện ba phong trào lớn của Hội, tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững nhất là ở các huyện còn hơn 50% số hộ là hộ nghèo. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, thủy lợi hóa, cơ giới hóa, thông tin hóa, thay thế lao động thủ công, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu để sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, muốn sản xuất hàng hóa lớn, bảo đảm chất lượng nông sản và mở rộng thị trường xuất khẩu, phải liên kết được nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và T.Ư Hội Nông dân Việt Nam là tiếp tục tham mưu Chính phủ rà soát, ban hành, sửa đổi các chính sách khuyến khích đầu tư, hình thành các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp giữ vai trò kết nối, làm “đầu kéo” cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và phù hợp điều kiện của từng vùng.
Tiếp tục đẩy mạnh thâm canh sản xuất lúa, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài, đồng thời có dự báo, kịch bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nước biển dâng, xâm nhập mặn và giảm lượng phù sa bồi đắp hằng năm ở đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa và nông sản của cả nước.
Bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa, địa phương và vùng trồng lúa đi đôi với xây dựng các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, trước hết là các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị. Có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách bảo đảm việc làm, thu nhập, an sinh xã hội cho nông dân, nhất là ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chủ động đối phó hiệu quả với xu thế đô thị hóa, nông dân mất đất sản xuất kéo theo các vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp.

SAKUKO HD VIỆT NAM TỔNG HỢP THEO NGUỒN BÁO NHÂN DÂN

Đăng nhận xét