Nông nghiệp việt phát triển nhanh - Chậm là do cách đi

Thủ tướng đặt hàng trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam phải đứng vào tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản phải đứng vào tốp 10.
Mới đây tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Thủ tướng đặt hàng trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam phải đứng vào tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản phải đứng vào tốp 10.
Nhìn lại tiềm năng và những thành quả của ngành, kỳ vọng đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề là quyết tâm của Bộ, ngành liên quan và nỗ lực của ngành nông nghiệp tới đâu?
Theo Tổng cục Hải quan, thanh long hiện chiếm tới 32% tổng giá trị xuất khẩu rau - quả VN
Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông  nghiệp, nông dân, nông thôn đã từng chỉ rõ mục tiêu: “...nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao...”.
Đó không phải là mục tiêu quá xa vời cho nông nghiệp Việt, bởi nghị quyết ra đời trên cơ sở thực tiễn nền nông nghiệp nước ta đạt được những thành tựu đáng tự hào. Chúng ta có thể giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực. Về xuất khẩu Gạo nhiều năm nay, Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 thế giới. Nước ta xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới từ lâu. Xuất khẩu cà phê, Việt Nam đứng thứ hai thế giới. Xuất khẩu rau quả, Việt Nam cũng đang bứt phá mạnh mẽ.
Năm 2017, chúng ta thu về gần 37 tỷ đô la nhờ xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản. Phải thừa nhận rằng, đây là một trong số ít lĩnh vực có xuất siêu lớn hơn nhập siêu.
Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Về cơ bản, nông nghiệp Việt phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp; công nghiệp chế biến còn lạc hậu, ít phổ biến; sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và khả năng liên kết thì rời rạc; nhiều hợp tác xã kiểu mới hoạt động không hiệu quả; giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản thấp; tiềm lực về vốn, công nghệ còn kém xa nhiều nước có điều kiện tương đồng...
Tỉnh táo nhìn lại, nông sản Việt gần 90% là xuất thô trong khi sản phẩm qua chế biến thì rất khiêm tốn, chỉ khoảng 11%. Về lượng, ta không thua ai nhưng về chất và khả năng đa dạng hóa sản phẩm qua chế biến, Việt Nam còn kém xa nhiều nước. Đó là chưa kể giá nông sản Việt khi bán ra thị trường luôn thấp hơn sản phẩm cùng loại của nhiều nước từ 20 đến 30%. Trường hợp mới đây gạo 5% tấm của Việt Nam lần đầu tiên giá bán cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ là rất hiếm hoi và chưa chắc duy trì lâu dài vì những yếu tố khách quan.  
Hiện nay, chế biến nông sản, tổ chức thị trường và liên kết sản xuất là 3 khâu cốt lõi, đảm bảo cho nông nghiệp Việt phát triển bền vững, tránh cảnh “được mùa mất giá, mất mùa được giá” nhưng đó cũng là 3 khâu yếu nhất của ta. Nếu có, cũng thiếu đồng bộ hoặc chỉ là cách làm đột phá của một vài doanh nghiệp.
Muốn hàng hóa, nông sản vào được các thị trường lớn nhưng khó tính như Mỹ, EU, Úc, Nhật, Hàn... thì vai trò của các Tham tán thương mại hết sức quan trọng. Họ phải biết kết nối, chủ động tìm hiểu thị trường, giúp đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tiếp cận khách hàng. Vì nếu nông sản ta có dồi dào nhưng lại ứ đầu ra thì nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp như đổ sông đổ biển.
Trong một chia sẻ gần nhất, Tham tán thương mại tại Úc nói rằng, để trái vải vào được đây, công tác xúc tiến, kết nối phải mất 12 năm. Nghĩa là, công việc này cần thực hiện một cách bền bỉ, tránh “ tư duy nhiệm kỳ”, nếu không sẽ sớm thua cuộc. Quan trọng là vậy nhưng thử hỏi, ở khâu này chúng ta đã thật sự làm tốt hay chưa? 
Trong khi đó, nông sản xuất khẩu phải đạt chuẩn và vượt qua hàng rào kỹ thuật tại những thị trường lớn. Vấn đề đặt ra không mới nhưng cách làm ăn chụp giật còn ẩn nấp đâu đó có thể khiến uy tín của nông sản Việt bị giảm sút và khách hàng chưa tin tưởng. Câu chuyện 29 lô gạo xuất khẩu từng bị Mỹ trả về và trong 4 năm ( 2012-2016) có khoảng 10.000 tấn gạo bị Mỹ từ chối nhập khẩu, cộng với EU tăng tần suất kiểm tra Thanh Long lên 20%, các loại rau gia vị lên 50%... là những ví dụ điển hình.
Đừng nói là trên thương trường quốc tế, ngay trên sân nhà của ta cũng có những chuyện dở khóc dở cười. Chúng tôi từng nghe đại diện của Hiệp hội làm vườn kể rằng, có một đoàn doanh nghiệp Thái Lan sang Việt Nam để tìm hiểu về trái cây Việt. Khi đoàn này đến một chợ đầu mối nông sản tại TPHCM thì ôi thôi, họ phát hiện trái cây của người Thái tràn ngập. Vậy thì tìm hiểu chi nữa?
Dù vậy, gần đây cũng có những tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Việt. Ngoài các chỉ số kinh tế nông nghiệp không ngừng tăng, chuỗi giá trị sản phẩm được khai thác tốt hơn với nhiều sản phẩm chủ lực có mặt ở nước ngoài như xoài, vải, thanh long, chôm chôm... thì sự hợp tác giữa những tên tuổi lớn trong nền kinh tế Việt Nam như trường hợp THACO và Hoàng Anh Gia Lai nhằm đầu tư khai thác lợi thế nông nghiệp, sản xuất những mặt hàng nông sản với quy mô lớn tạo cho chúng ta sự lạc quan về triển vọng thành công của ngành. Điều này làm giảm đi lo ngại “nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư gặp rủi ro cao nhất”. Ngược lại, đây là lĩnh vực mà nếu biết khai thác thế mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trên thương trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải lọt tốp 15 quốc gia phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào tốp 10. Cùng với Nghị định 57 ngày 17/04/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp đến năm 2020. Rõ ràng Chính phủ đã có những hành động thiết thực, thể hiện vai trò kiến tạo, làm đòn bẩy để thúc đẩy nông nghiệp Việt phát triển mạnh mẽ hơn. 
Cũng cần nhắc lại thực tế nước ta được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, nguồn nước, khí hậu... rất thuận để phát triển đa dạng nông nghiệp nhưng suốt thời gian dài, có vẻ chúng ta vẫn làm theo tác phong “muốn nhanh cứ phải từ từ”. Trong khi đó, đất nước Israel với phần lớn diện tích sa mạc, cằn cỗi nhưng từ lâu họ đã là cường quốc về kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp và xuất khẩu nông sản có giá trị gia tăng cực cao. Đó là bài học thực tiễn để chúng ta nhanh chóng cùng hành động nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế sẵn có, nâng cao đời sống bà con nông dân và sớm trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển cao.
Có một doanh nhân đang rất thành công với sản phẩm chế biến nông nghiệp hữu cơ từng chia sẻ với chúng tôi rằng: “Trời cho chúng ta điều kiện tươi tốt, chỉ cần ăn thứ gì, quăng hạt xuống đất, nó lên cây và cho trái ngon lành”.
Từ cách đây 30 năm, doanh nhân này đã tự bỏ tiền túi ra nước ngoài học cách làm nông nghiệp sạch để về Việt Nam phát triển thương hiệu. Đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp này được biết đến rộng khắp trong và ngoài nước và chinh phục hầu hết các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Có một mẫu truyện ngụ ngôn, tựa đề: “Nhà tiên tri và bác nông dân”, nội dung thế này: Khi đi đến một khoảng ruộng nọ, nhà tiên tri nhìn xuống thấy bác nông dân đang làm đồng và hỏi rằng:  “Thưa ông, đường đi từ đây đến tỉnh còn bao xa?”
Bác nông dân chỉ thoáng nghe nên chưa kịp trả lời nhưng nhà tiên tri cũng chẳng buồn hỏi thêm câu nào mà cứ chậm rãi bước đi. Bỏ tay cuốc xuống, nhìn lên phía đường, thấy nhà tiên tri cứ nhởn nhơ chẳng đi đến đâu, bác nông dân liền cất tiếng thật lớn: “Này, anh mà đi với tốc độ đó thì có khi đến sáng mai vẫn chưa đến tỉnh đâu nhé!”.  
Chuyện đơn giản như vậy nhưng cho ta một đúc kết hay, nhanh hay chậm là do cách đi của chính mình mà ra! Nông nghiệp Việt phải đứng tốp 15 thế giới và ngành chế biến phải đứng tốp 10 trong 10 năm nữa, nghe tưởng xa nhưng hóa ra cũng rất gần. Nếu cùng quyết tâm hành động, có thái độ nhập cuộc khẩn trương thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ.

SAKUKO HD VIỆT NAM TỔNG HỢP THEO NGUỒN VOH

Đăng nhận xét