Huy động các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng (mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra) và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn; tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT
Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong 5 năm (2013-2017), chủ trương cơ cấu lại được ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và xuyên suốt, đang tạo chuyển biến tích cực, rõ nét, đó là: Đã tạo được sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng (63 tỉnh/thành phố đều đã phê duyệt và triển khai Đề án hoặc Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu thể hiện rõ kết quả tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.
Trong 7 năm (2010 – 2017), phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa. Tính đến 20/7/2018, cả nước đã có 3.420 xã (38,32%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 tiêu chí/xã; có 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X) là nghị quyết chuyên đề lần đầu tiên đã đánh giá và đề ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông Bình đánh giá cao Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT đã tham mưu nhiều chủ trương, chính sách lớn với Đảng và Nhà nước; tích cực thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành những chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực triển khai, thực hiện, biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành những mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vào thực tiễn, góp phần ổn định, phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.
“Qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết, đã đạt nhiều thành quả quan trọng: Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 tăng gần 6 lần so với năm 2008”, ông Bình nhấn mạnh.
Nông thôn có nhiều đổi mới, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, được toàn dân hưởng ứng tham gia xây dựng, chỉnh trang, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; xây dựng khu dân cư an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới, trước những thách thức từ nội tại của ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu, cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt, đề nghị Bộ NN&PTNT cần phát huy tốt hơn nữa sứ mệnh và vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực: tuyên truyền vận động nhân dân và nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách; làm tốt công tác quy hoạch; huy động các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao năng lực, vai trò làm chủ của người dân nông thôn, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bộ NNPTNT kiến nghị Bộ Chính trị có Nghị quyết hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X; nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển “nông nghiệp toàn diện” và “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”.
Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng đề án tiếp tục triển khai Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2030; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai (đề xuất sửa Luật Đất đai) để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp.

SAKUKO HD VIỆT NAM TỔNG HỢP THEO NGUỒN INFONET

Đăng nhận xét