Hút đầu tư vào Nông nghiệp: 'Át chủ bài' là cơ chế

Các bộ, ngành và địa phương cần đồng hành với doanh nghiệp để khẳng định được vị thế của nông sản, nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong đầu tư các lĩnh vực nói chung, nông nghiệp nói riêng, doanh nghiệp cần vốn, đất, nhưng cần nhất vẫn là cơ chế, là những điều mà Chính phủ, Nhà nước cho phép, khuyến khích làm… Đây là vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện trong thời gian tới.
Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết các ngân hàng thương mại triển khai gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Hiện Chính phủ đang thực hiện đúng tuyên ngôn là Chính phủ kiến tạo và phục vụ nhân dân, với nhiều quyết sách, tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp. Đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, do 8 ngân hàng thương mại triển khai.
Tuy nhiên, công tác triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn như ngân hàng khó xác định việc đáp ứng tiêu chí về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định, số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận có ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa triển khai rộng rãi, tỷ lệ phí bảo hiểm nông nghiệp hiện đang khá cao...
Góp phần giải quyết các khó khăn trong việc vay vốn gói tín dụng 100.000 tỷ, trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết các ngân hàng thương mại triển khai gói vay; đồng thời nghiên cứu đa dạng loại hình tài sản đảm bảo, có thể thế chấp bằng phương án kinh doanh, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư...
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất nông nghiệp.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất nông nghiệp, cũng như chứng nhận doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao...
Đối với vấn đề tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, để chính sách này có tính khả thi, bền vững và có hiệu quả thực chất, Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định và minh bạch, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, lợi ích của các nhà đầu tư, lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế và sự ổn định, trật tự của các quan hệ xã hội có liên quan.
Trong hành lang pháp lý này, người nông dân, nhà đầu tư cần được tiếp cận với cơ chế pháp lý linh hoạt hơn, ổn định hơn để có thêm sự lựa chọn thích hợp cho mình trong việc dịch chuyển quyền sử dụng đất theo hướng tích tụ đất đai, góp phần tối đa hóa giá trị quyền sử dụng đất và các nguồn vốn đầu tư trên đất.
Bên cạnh vốn và đất đai, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cần có hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là ưu tiên công nghệ sáng chế trong nước.
Ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ”.
Ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) cho rằng, cần thiết lập cơ chế đặt hàng cụ thể để nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể "gặp" nhau nhiều hơn, tạo ra những ứng dụng, hiệu quả thực tế.
"Ví như ở một số quốc gia phát triển, doanh nghiệp sẽ đặt hàng ở các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành. Từ đó, các chuyên gia thực hiện và đơn hàng theo thời gian yêu cầu của doanh nghiệp. Hiệu quả cuối cùng là công nghệ mới nhất được ứng dụng thích hợp với thực tế của doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh về khoa học và công nghệ của quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được phổ biến tại Việt Nam", ông Trần Quốc Thắng cho hay./.

SAKUKO HD VIỆT NAM TỔNG HỢP THEO NGUỒN VOV

Đăng nhận xét