Cùng tìm hiểu nền Nông nghiệp kiểu mẫu của Nhật Bản

Hiện tại, Nhật Bản là đất nước công nghiệp hàng đầu thế giới, với sự phát triển tiên tiến của công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhưng cũng không phải ai cũng biết Nhật Bản cũng là nước có nền nông nghiệp phát triển và tình hình xuất khẩu lao động Nhật Bản ngành nông nghiệp đang khởi sắc.
Nông nghiệp Nhật Bản xưa và nay
Trước cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị vào năm 1868, có đến 80% dân số Nhật Bản làm nông nghiệp và lúa là nông sản chính. Thời đó tại Nhật các phương pháp thâm canh cần nhiều lao động, mỗi hộ gia đình cũng chỉ có một phần diện tích ruộng hạn chế. 
Trong thời kỳ Nhật Bản tích cực hướng tới hiện đại hóa sau Minh Trị Duy Tân, các phương pháp canh tác của phương Tây được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên của đất đai ở Nhật hoàn toàn khác so với ở phương Tây, chỉ áp dụng cách trồng cấy với kỹ thuật của nước ngoài thì không hiệu quả. Do vậy người ta thay đổi trọng tâm, trở lại coi gạo là sản phẩm chính và phát triển những phương pháp thâm canh.
Nhà nước lập các trung tâm thử nghiệm để tiến hành lai ghép những loại cây nông nghiệp quan trọng.
Trong số tất cả các chương trình cải cách sau Thế chiến 2, có lẽ Cuộc cải cách ruộng đất năm 1946 là thành công nhất trong việc tạo ra những thay đổi cơ bản và rộng khắp ở Nhật Bản.
Việc phân phối lại đất đai một cách mạnh mẽ đã gần như chấm dứt tình trạng thuê đất vào năm 1949 và kết quả là khoảng 90% đất canh tác do chính người sở hữu tự trồng cấy.
Tình trạng thiếu lương thực sau chiến tranh, giá cả cao, sự tồn tại của một chợ đen buôn bán gạo và lạm phát trong xã hội khi đó chính là những yếu tố tạo thuận lợi cho các nông dân Nhật Bản. Nói chung họ trả nợ cho diện tích ruộng đất mới của mình khá dễ dàng và bắt đầu đầu tư vốn để hợp lý hóa nông nghiệp.
Chính phủ giúp đỡ nhà nông bằng cách lập các chương trình hỗ trợ giá, nhất là đối với gạo. Chính phủ cũng dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho các trường kỹ thuật nông nghiệp, các trung tâm thử nghiệm và các chương trình mở rộng.
Các hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh những hoạt động tích cực kể trên của chính phủ bằng cách cho vay với lãi xuất thấp và tiến hành tiếp thị theo nhóm ở cấp độ làng xã.
Kết quả cuối cùng là hình thành một lực lượng nông dân tương đối dư giả, có học thức, được ưu đãi và có vốn cần thiết để mua giống mới cũng như phân bón để tăng sản lượng, đồng thời mua máy móc để giảm bớt nhu cầu về lao động.
Nhật Bản bắt đầu bị thiếu lao động vào cuối thập niên 50, sau khi bắt đầu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nhu cầu lớn về lao động tại các trung tâm công nghiệp đô thị khiến cho ngày càng nhiều người rời bỏ nông thôn. Một phần lớn trong lực lượng làm nghề nông khi đó là những người trên 45 tuổi.
Bên cạnh đó, rất nhiều người chỉ làm nghề này theo thời vụ và hơn một nửa lực lượng lao động là phụ nữ. Xu hướng đi xuống này kéo dài cho tới tận nay. Nếu năm 1960, 26,8% lực lượng lao động là nông dân thì đến năm 1995 chỉ còn 5,1%. Năm 1965, thu nhập từ nông nghiệp của mỗi hộ gia đình nông dân còn chiếm 48% tổng thu nhập, nhưng đến năm 1996 chỉ còn là 21,1%.
Theo thống kê của Bộ nông-lâm-ngư nghiệp, tổng thu nhập bình quân mỗi năm của một hộ gia đình nông dân Nhật Bản trong năm 1996 là 6.647.400 yen, tính theo tỉ giá khi đó là vào khoảng 64.000 đôla.
Dường như nông nghiệp Nhật Bản không thể thành công nếu không có sự phổ biến của máy móc, hóa chất và những thiết bị giúp tiết kiệm lao động.
Hiện tại việc canh tác hầu như được làm bằng máy. Các phương pháp canh tác truyền thống nhanh chóng nhường chỗ cho các máy cày, máy ủi và nhiều loại máy móc khác. Nhờ tất cả những yếu tố đó, tổng sản lượng gạo của Nhật Bản tăng từ 9,5 triệu tấn trong năm 1950 lên 13 triệu tấn vào năm 1975.
Song mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người đã giảm đi và chính phủ đang lo ngại với nhiều vấn đề như sản xuất quá nhiều và tồn kho quá lớn. Các nông dân được khuyến khích, có khi được trợ cấp, để chuyển từ trồng gạo sang các loại khác.
Chính sách điều chỉnh sản xuất của chính phủ đã khiến bị thiếu gạo vào năm 1993 vì sản lượng gạo quá thấp. Những thay đổi về thói quen ăn uống của người Nhật cũng làm tăng mức sản xuất thịt, các sản phẩm sữa và rau quả.

SAKUKO HD VIỆT NAM TỔNG HỢP

Đăng nhận xét