Sakuko HD Việt Nam - Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng vững chắc

Đổi thay từ cánh đồng đến chuồng trại...

Theo báo cáo mới nhất về sơ kết giữa nhiệm kỳ quá trình thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, trong hơn 2 năm qua giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,1%. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm 2017 đạt 35.133 tỷ đồng, tăng 4,44% so với năm 2015.



Trong lĩnh vực trồng trọt, thành phố đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, như cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh, nhờ đó giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác đã tăng từ 3-8 lần so với trồng lúa.

Diện tích lúa trên địa bàn thành phố đã giảm từ hơn 203.000ha (năm 2015) xuống còn hơn 189.000ha, tuy nhiên trong cơ cấu giống lúa, diện tích lúa chất lượng cao lại  tăng từ 34.000ha lên 42.000ha, với 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao có quy mô trên 100ha/cánh đồng. Các diện tích này đang cho thu nhập cao hơn khoảng 8,9 triệu đồng/ha so với trồng lúa truyền thống.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô từ 20ha trở lên; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể như bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở, nhãn muộn Đại Thành, ổi Đông Dư…

Trong chăn nuôi, những năm gần đây Hà Nội liên tục tập trung đẩy mạnh mở rộng và nâng cao chất lượng con giống. Một trong những thành công lớn là thành phố đã xây dựng Trung tâm Sản xuất tinh bò ứng dụng công nghệ cao tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), qua đó làm chủ công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong việc lai tạo và sản xuất giống vật nuôi quý, chất lượng cao. Trung tâm này có diện tích 13ha, với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, công suất khoảng 300.000 – 400.000 liều/năm.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã phát triển được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư, gồm 2 vùng nuôi bò sữa với tổng đàn 10.828 con; 4 vùng chăn nuôi lợn tổng đàn 195.000 con, 9 vùng chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm; phát triển 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.941 trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Những con số này cho thấy chăn nuôi tại Hà Nội đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển dần sang chăn nuôi trang trại. Đáng chú ý là trên địa bàn đã hình thành 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín từ giống, vật tư đầu vào đến tiêu thụ.

Nan giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Cũng theo báo cáo giữa nhiệm kỳ của Thành ủy Hà Nội, từ năm 2016-2017 thành phố đã có thêm 93 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 294/386 xã (tỷ lệ 76,16%), dẫn đầu cả nước. Trong số 92 xã còn lại thì có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 36 xã đạt từ 10-14 tiêu chí.

Trong đó có một số nhóm tiêu chí các xã đạt cao, điển hình như tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay thành phố đã có 368 xã đạt tiêu chí giao thông, chỉ còn 18 xã chưa đạt; thuỷ lợi cũng có 377 xã đạt chuẩn, tăng 121 xã so với cuối năm 2015; duy trì 100% số xã đạt và cơ bản đạt về tiêu chí điện. Có 318 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí trường học, hiện còn 68 xã chưa đạt; 100% số xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí y tế, tăng 9 xã so với cuối năm 2015. Đáng chú ý, đã có 339 xã đạt tiêu chí thu nhập, tăng tới 45 xã so với cuối năm 2015.

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội thì Chương trình xây dựng NTM của thành phố vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền ở một số nơi chưa sâu sát, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ nội dung, phương pháp trong xây dựng NTM. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM chủ yếu vẫn là ngân sách nhà nước.

Thu nhập của một số bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, như ở huyện Ba Vì mới đạt 33 triệu đồng/năm; Ứng Hoà đạt 32,3 triệu đồng; Mỹ Đức đạt 34,1 triệu đồng, đều thấp hơn nhiều so với bình quân thu nhập khu vực nông thôn của thành phố  (38 triệu đồng).

Về chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn cũng còn nhiều điều đáng bàn khi mới có 49,4% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; tình hình ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn diễn biến phức tạp và khó xử lý.

Được biết, năm 2017 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã rà soát, kiểm tra tại 21 quận, huyện, thị xã và xác định danh sách 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường trên địa bàn thành phố. Trong năm 2017, tổng số tiền phạt về vi phạm môi trường đạt trên 16,5 tỷ đồng.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Ba Vì ngày 3.5, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho biết, xử lý ô nhiễm môi trường, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt để nhiệm vụ này đạt tiến bộ cụ thể.
SAKUKO HD VIỆT NAM

Đăng nhận xét